Giá xăng dầu tăng, doanh nghiệp vận tải “đau đầu”

Giá xăng dầu tăng, doanh nghiệp vận tải “đau đầu”

Từ cuối năm 2021 đến nay, giá xăng liên tục điều chỉnh tăng. Với giá xăng hiện tại gần 27.000 đồng/lít – mức cao nhất trong 8 năm qua, khiến các doanh nghiệp vận tải đứng ngồi không yên khi vừa mới bắt đầu phục hồi trở lại thì phải đối mặt giá xăng dầu tăng vọt…

Hoạt động tại Bến xe khách Trung tâm TP Cần Thơ vẫn chưa thể phục hồi như trước khi xảy ra dịch COVID-19.

Sau điều chỉnh của liên Bộ Công Thương – Tài chính, mỗi lít xăng E5 RON92 từ 15 giờ ngày 1-3-2022 có giá 26.070 đồng, tăng 540 đồng; RON95 là 26.830 đồng, tăng 550 đồng. Đây là lần tăng thứ 6 liên tiếp của giá xăng trong nước từ giữa tháng 12-2021 đến nay. Như vậy, giá xăng đã tiến sát ngưỡng 27.000 đồng một lít. Giá các mặt hàng dầu cũng tăng. Dầu hỏa là 19.970 đồng một lít, tăng 470 đồng; dầu diesel là 21.310 đồng một lít, tăng 510 đồng; dầu madut là 18.460 đồng/kg, tăng 530 đồng. So với cuối tháng 12 năm ngoái, mỗi lít xăng RON95 tăng thêm 4.030 đồng; E5 RON92 là 3.990 đồng, dầu diesel tăng hơn 3.980 đồng; dầu hỏa 3.650 đồng và dầu madut thêm 2.720 đồng.

Giá xăng dầu tăng ảnh hưởng trực tiếp đến giá cước vận tải. Doanh nghiệp vận tải rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Bởi, nếu tăng giá vé để bù vào giá xăng dầu sẽ dễ khiến hành khách quay lưng, nhưng không tăng giá vé, thì doanh nghiệp “khó chồng khó” lượng phương tiện đi lại chưa thực sự trở lại bình thường. Trong hoàn cảnh này, nhiều doanh nghiệp vận tải vẫn “thắt lưng, buộc bụng” chịu lỗ và ngóng chờ tín hiệu thị trường giá xăng dầu cũng như vận tải hành khách trong giai đoạn bình thường mới này.

Theo ông Nguyễn Đình Sửu, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Bến xe tàu phà Cần Thơ (đơn vị quản lý, khai thác Bến xe khách Trung tâm TP Cần Thơ), từ sau Tết Nguyên đán đến nay, hoạt động vận tải hành khách tương đối ổn định. Song, so với thời điểm trước dịch bệnh vẫn chưa bằng. Hiện nay, giá xăng tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp vận tải thêm phần khó khăn. Đến nay (sáng ngày 2-3) vẫn chưa có nhà xe chạy tuyến cố định thông báo điều chỉnh giá vé vì giá xăng tăng.

Là đơn vị có 70 phương tiện hoạt động với hơn 100 tuyến cố định liên tỉnh, ông Đoàn Công Hiếu, Giám đốc HTX Vận tải đường bộ TP Cần Thơ cho biết: Thời gian qua, hợp tác xã cố gắng duy trì hoạt động các tuyến cố định giúp bà con xã viên có thu nhập. Đồng thời, xe chạy thường xuyên để người dân biết và sử dụng khi cần. Tình hình dịch bệnh vừa mới tạm ổn, lượng khách bắt đầu tăng trở lại, nếu tăng giá dịch vụ thời điểm này lượng khách ít nhiều sẽ sụt giảm, nhưng nếu không tăng thì đơn vị không có chi phí để duy trì hoạt động. Sau khi cân nhắc, đơn vị chọn giải pháp tăng giá nhưng tăng ít để giữ chân khách và đang thực hiện các thủ tục liên quan cũng như thông báo, niêm yết giá đến khách hàng. Việc tăng giá chỉ góp phần nhỏ giảm đỡ phần nào chi phí hoạt động. Trong thời gian tới, nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng cao, đơn vị sẽ không điều chỉnh giá, tiếp tục hoạt động cầm chừng bởi tăng giá cước sẽ càng ít khách đi…

Không chỉ các xe khách liên tỉnh, việc xăng tăng giá cũng khiến cho các hãng taxi rối ren, đắn đo cân đối giá cước dịch vụ. Ông Đồng Ngọc Danh, Giám đốc chi nhánh Công ty CP Tập đoàn Mai Linh tại TP Cần Thơ chia sẻ: Mặc dù giá xăng liên tục điều chỉnh tăng cao, nhưng giá cước của hãng taxi Mai Linh được giữ ổn định từ năm 2018 đến nay. Và hiện tại công ty vẫn chưa điều chỉnh giá cước vận chuyển hành khách. Để duy trì hoạt động trong thời gian bị ảnh hưởng bởi giá xăng dầu tăng, công ty thực hiện giải pháp là cắt giảm tối đa các chi phí khác bù đắp lại. Tác động của dịch COVID-19, hoạt động các sân bay, bến cảng hạn chế dẫn đến taxi cũng giảm lượng khách. Với mức giá xăng dầu tăng cao như hiện nay, công ty cũng có suy nghĩ đến phương án tăng giá cước. Song tăng vào thời điểm nào, mức tăng như thế nào thì cần thời gian để nghiên cứu và đánh giá tình hình. Bởi nếu tăng giá, có thể có rủi ro vì khách hàng sẽ “ngán”, họ lại chọn phương tiện cá nhân thay vì đi taxi…

Theo Báo Cần Thơ
Tác giả: T. Trinh

All in one
Scroll to Top