Hiệu quả sản xuất lúa gạo từ mô hình cánh đồng lớn
Thời gian qua, diện tích lúa tham gia mô hình cánh đồng lớn (CĐL) trên địa bàn TP Cần Thơ không ngừng gia tăng, mô hình này đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân. Với sự liên kết giữa các hộ dân trong mô hình CĐL gắn với cung ứng các loại vật tư đầu vào và bao tiêu đầu ra của doanh nghiệp, nông dân ổn định đầu ra sản phẩm, có điều kiện đẩy mạnh cơ giới hóa, áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất. Doanh nghiệp cũng hưởng lợi khi có vùng nguyên liệu lúa gạo ổn định, đảm bảo chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường.
Khẳng định hiệu quả
Ông Mai Thanh Sơn ở phường Trung Kiên, quận Thốt Nốt, cho biết: “Tham gia CĐL, được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, tôi và nhiều hộ dân an tâm sản xuất. Ngoài ra, nông dân còn có điều kiện cơ giới hóa, ứng dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, thực hiện gieo cùng một giống lúa trên cánh đồng, áp dụng cùng một quy trình sản xuất… giúp giảm chi phí, tạo ra lượng lúa gạo hàng hóa lớn, với chất lượng đồng đều và đảm bảo an toàn, bán được giá cao. Thực tế cho thấy, lúa của nông dân trong mô hình CĐL được doanh nghiệp bao tiêu với giá từ bằng đến cao hơn thị trường từ 100-200 đồng/kg. Riêng những mô hình sản xuất lúa giống, doanh nghiệp bao tiêu với giá cao hơn đến 500 đồng/kg”.
Nhờ liên kết, hình thành mô hình CĐL gắn với hợp đồng bao tiêu sản phẩm của doanh nghiệp mà thời gian qua ông Võ Văn Rô và nhiều hộ dân trồng lúa tại xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ vừa có đầu ra ổn định, lại được doanh nghiệp cung cấp lúa giống, vật tư nông nghiệp đến cuối vụ mới thanh toán tiền. Ông Rô cho biết: “Năm qua, dịch COVID-19 đã gây nhiều khó khăn cho nông dân vùng ĐBSCL trong sản xuất và tiêu thụ các loại nông sản, trong đó có lúa. Nhưng tôi và nhiều hộ dân trồng lúa tại Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp An Phú ở xã Thạnh Phú vẫn có đầu ra sản phẩm rất “ngon lành” nhờ tham gia CĐL. Vụ lúa đông xuân 2021-2022, nông dân tại HTX sạ giống lúa Đài Thơm 8 và tiếp tục được doanh nghiệp bao tiêu”.
Mô hình CĐL thực hiện tại TP Cần Thơ từ vụ hè thu 2011, với diện tích ban đầu chỉ 400ha, nhưng giờ đã tăng lên hơn 32.000 ha/vụ, góp phần giúp nông dân thuận lợi trong đẩy mạnh ứng dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật nâng cao hiệu quả sản xuất và liên kết với doanh nghiệp, ổn định đầu ra sản phẩm. Nhờ chi phí sản xuất giảm, năng suất, chất lượng và giá bán sản phẩm tăng, lợi nhuận của nông dân trong mô hình có thể cao hơn từ 2-4 triệu đồng/ha/vụ so với nông dân ngoài mô hình. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, nông dân tham gia CĐL có điều kiện thuận lợi để áp dụng các tiến bộ kỹ thật, quy trình sản xuất mới, gieo sạ cùng thời gian trong cùng cánh đồng, thực hiện bơm tát nước tập thể và áp dụng đồng bộ nhiều loại máy móc cơ giới từ khâu làm đất đến gieo cấy, chăm sóc, thu hoạch và sấy lúa. Từ đó, giúp giảm lượng sử dụng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giảm chi phí nhân công và thất thoát trong thu hoạch.
Khuyến khích, hỗ trợ phát triển CĐL
Để nâng cao hiệu quả trồng lúa và giúp đầu ra sản phẩm ổn định, TP Cần Thơ tiếp tục các hoạt động hỗ trợ và khuyến khích nông dân liên kết với nhau và với doanh nghiệp để phát triển CĐL và các mô hình liên kết, hợp tác trong sản xuất, tiêu thụ lúa gạo. Tranh thủ sự hỗ trợ từ các chương trình và dự án quốc tế, trong đó có Dự án VnSAT, ngành Nông nghiệp thành phố cũng đẩy mạnh các hoạt động đào tạo, tập huấn, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng… nhằm nâng cao trình độ sản xuất của nông dân và tăng cường năng lực hoạt động và khả năng liên kết, hợp tác giữa các tổ chức nông dân (HTX, tổ hợp tác) với doanh nghiệp.
Theo bà Phạm Thị Minh Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thuộc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, thông qua Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) được triển khai tại Cần Thơ, ngành Nông nghiệp thành phố đang tích cực khuyến khích, hỗ trợ nông dân tăng cường liên kết với nhau và với doanh nghiệp để phát triển mô hình CĐL và chuỗi giá trị sản xuất gạo bền vững. Thực hiện công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực hoạt động cho các tổ chức nông dân và có các gói hỗ trợ nông dân tại HTX đầu tư cơ sở hạ tầng, thiết bị, máy móc để nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh. Trong đó, hỗ trợ đầu tư xây dựng trạm bơm điện có quy mô lớn phục vụ cả cánh đồng, đầu tư máy cấy lúa, máy phun hạt (sạ lúa), bón phân, xây nhà kho, lò sấy lúa… Dự án cũng đã tổ chức nhiều hoạt động tọa đàm, hội thảo đầu bờ, tập huấn kỹ thuật và triển khai nhiều mô hình trình diễn để hướng dẫn nông dân áp dụng cơ giới hóa, các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất lúa. Đặc biệt là áp dụng các giải pháp kỹ thuật tiên tiến như “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”… phát triển sản xuất lúa theo hướng chất lượng, an toàn, hiệu quả và bền vững.
Hiện nay, gạo của nước ta cạnh tranh với gạo các nước cả về giá cả, chất lượng và vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm nên sản xuất theo kiểu manh mún, nhỏ lẻ chất lượng không ổn định, giá thành sản xuất cao sẽ khó tồn tại và phát triển. Do vậy, nông dân và doanh nghiệp cần liên kết, hợp tác với nhau theo chuỗi giá trị ngành hàng, đây cũng là xu hướng tất yếu nhằm sản xuất hàng hóa lớn, chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh trên thị trường.
Để mở rộng mô hình CĐL đòi hỏi cần có sự tham gia tích cực hơn nữa của các bên liên quan, đặc biệt là doanh nghiệp, bởi hiện số doanh nghiệp tham gia liên kết với nông dân trong CĐL vẫn còn ít. CĐL cũng khó phát triển do nông dân còn canh tác theo tập quán cũ, tính tổ chức và kỷ luật chưa cao và chưa thấy rõ các lợi ích nên chưa tích cực tham gia. Ngành chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hành động của nông dân trồng lúa và huy động tốt sự tham gia của doanh nghiệp. Quan tâm bổ sung, hoàn thiện hành lang pháp lý để thúc đẩy liên kết và giải quyết tốt các tranh chấp trong liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp. Đặc biệt, cần có giải pháp đảm bảo nguồn vốn cho doanh nghiệp tham gia mô hình CĐL và thực hiện bao tiêu, thu mua lúa của nông dân.