Thách thức và vận hội mới cho đất Chín rồng
Năm 2021 là năm nhiều thách thức với nền kinh tế Việt Nam, nhiều “đầu tàu” của các vùng kinh tế chịu tác động tiêu cực trước làn sóng COVID-19. Tại ÐBSCL, tăng trưởng kinh tế (GRDP) của các tỉnh, thành đều không đạt kế hoạch đề ra. Năm 2022, dù vẫn còn những bất định phía trước với câu hỏi về: Nguồn lực phục hồi, chiến lược thích ứng an toàn và giải quyết câu chuyện phát triển bền vững đồng bằng trước mối đe dọa của COVID-19. Nhưng lãnh đạo các địa phương đều khẳng định, ÐBSCL sẽ đứng dậy, kết nối, hòa nhịp cùng cả nước phục hồi kinh tế.
ĐBSCL muốn thay đổi và vượt qua “lời nguyền” của một nền sản xuất “manh mún, nhỏ lẻ, tự phát” cần phải bằng tinh thần hợp tác, liên kết. ĐBSCL đang đứng trước những thách thức lớn như biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, suy giảm tài nguyên nước, hạ tầng yếu kém. Nhưng Đồng bằng còn một thách thức lớn hơn là nông nghiệp vẫn theo tư duy chạy theo sản lượng. Tư duy phát triển vẫn dựa theo không gian hành chính trong khi vùng nguyên liệu tương đồng phân tán ở nhiều địa phương, chuỗi ngành hàng phân bổ khắp vùng dễ bị đứt gãy do những hàng rào quy định theo phân cấp hành chính.
Như vậy, câu chuyện Đồng bằng cần có cách tiếp cận khác. Đó là phải có sự đồng thuận cao tiến tới một thực thể kinh tế chung cho cả 13 tỉnh, thành; trong đó tăng cường liên kết giữa các địa phương có cùng loại nông sản. Đó là có một quy hoạch nông nghiệp chung, chú trọng đặc điểm riêng từng vùng sinh thái ngọt, lợ, mặn. Đó là phải kết hợp giữa giải pháp công trình và chú trọng giải pháp phi công trình trong chuyển đổi sản xuất mùa vụ theo hướng sinh thái “thuận thiên”, tích hợp đa giá trị.
Bộ NN&PTNT đang kêu gọi hỗ trợ từ nhiều đối tác nước ngoài, các tổ chức quốc tế để tham gia đầu tư hệ thống hạ tầng logistics nông nghiệp, nông thôn. Hoạt động logistics đóng góp xuyên suốt ở tất cả các khâu sản xuất, phân phối, tiêu thụ của ngành nông nghiệp. Với đặc điểm chung của nhiều mặt hàng nông sản như tính mùa vụ, nhanh hỏng, thời gian bảo quản, sử dụng ngắn, chất lượng không đồng nhất, logistics giữ vai trò kết nối các khâu trong chuỗi giá trị nông sản, bảo đảm chất lượng sản phẩm đến tay người tiêu dùng, tối ưu hóa các chi phí, giúp cải thiện thêm thu nhập cho người nông dân. Vậy nên, Đồng bằng cần kết nối thành một thực thể sống. Và những người đồng hành cùng ngồi trên chiếc thuyền muốn vượt qua những cơn sóng dữ, thì càng cần phối hợp nhịp nhàng, tạo ra sự cân bằng.
TP Cần Thơ được xác định là trung tâm động lực vùng ÐBSCL, nhưng năm qua, tổng sản phẩm lại giảm 2,79% do dịch bệnh kéo dài, thành phố thực hiện giãn cách xã hội để phòng dịch làm ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế thành phố. Tuy nhiên, khu vực dịch vụ tăng trưởng 0,79% là điểm sáng trong điều kiện “bình thường mới” nhờ triển khai kịp thời các chính sách, giải pháp hỗ trợ DN, người dân, giảm thiểu ảnh hưởng của dịch bệnh.
Năm 2022, Cần Thơ đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP đạt 7,5%. Ðể đạt kết quả này, thành phố tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ thông tin, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tăng tính tự chủ, khả năng chống chịu của nền kinh tế, tạo động lực phục hồi với tốc độ cao, hiệu quả hơn sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát.
Cần Thơ đã tự cân đối được ngân sách và có điều tiết về Trung ương; từng bước trở thành một trong những động lực tăng trưởng của vùng ÐBSCL. Nhưng vẫn còn nhiều điểm nghẽn cần được tháo gỡ. Thuận lợi của Cần Thơ là đang triển khai thực hiện Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 98/NQ-CP về ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 59-NQ/TW. Theo đó, giai đoạn 2021-2025, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 5 năm đạt mức 7,5-8%/năm. Vốn đầu tư toàn xã hội tăng 10-12,5%/năm. Ðến năm 2025, GRDP/người đạt 6.200-6.800 USD. Cơ cấu kinh tế: Dịch vụ chiếm 54,17-54,73% GRDP, công nghiệp và xây dựng chiếm 33,71-33,99%, nông nghiệp chiếm 5,61-5,9%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 5,94-5,95%. Giá trị năng suất lao động xã hội đạt 297,18 triệu đồng/lao động/năm…
Vừa qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ chính là cụ thể hóa tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết số 59-NQ/TW. Ðây là động lực đưa Cần Thơ phát triển đúng theo phương hướng, mục tiêu đề ra. TP Cần Thơ có cơ hội huy động nguồn lực, tập trung đầu tư, phát triển nhanh, bền vững hơn, là đầu tàu dẫn dắt phát triển kinh tế – xã hội vùng ÐBSCL, có sức thu hút, lan tỏa lớn vùng kinh tế trọng điểm, đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển kinh tế – xã hội, ngân sách chung của cả nước.
Nghị quyết thí điểm áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP Cần Thơ sẽ khắc phục các hạn chế, những điểm nghẽn thời gian qua. Ðó là nguồn từ tỷ lệ điều tiết cho ngân sách thành phố, từ nguồn thu được để lại, nguồn bổ sung có mục tiêu tương ứng số tăng thu ngân sách Trung ương từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương, thành phố được quyết định áp dụng một số khoản thu phí phù hợp với đặc điểm của thành phố, nguồn cải cách tiền lương, quỹ dự trữ tài chính… Các nguồn này sẽ bổ sung để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, các dự án có sức lan tỏa cho vùng, tập trung phát triển hạ tầng giao thông, kết nối các đô thị trong vùng.
Năm 2021, GRDP của Ðồng Tháp ước đạt 2,22%, quy mô nền kinh tế đứng thứ 6 trong khu vực ÐBSCL. Ðây là kết quả từ sự cố gắng không mệt mỏi và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp (DN) và nhân dân tỉnh nhà. Ðể khôi phục kinh tế nhanh và bền vững, tỉnh đã thành lập Ban Nghiên cứu đánh giá tác động của dịch COVID-19 đến phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Ðồng Tháp để phân tích, đánh giá, đưa ra định hướng, tầm nhìn chiến lược, phấn đấu hoàn thành Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021-2025.
Năm 2022, tỉnh xây dựng phương án tăng trưởng kinh tế 7% và là một trong 6 tỉnh đặt chỉ tiêu tăng trưởng cao nhất khu vực ÐBSCL. Ðồng Tháp cũng đề ra 22 chỉ tiêu và 13 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để tập trung chỉ đạo, điều hành đạt kết quả cao nhất. Ðồng Tháp quyết tâm cùng cả nước chuyển sang trạng thái mới, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh COVID-19 với phương châm hành động:
“Thích ứng nhanh nâng tầm vị thế
Ðất Sen hồng vượt sóng vươn xa”
Cùng với đó, tỉnh đang tiếp tục gia cố cho “trụ đỡ” nền kinh tế tỉnh là nông nghiệp. Ðể tạo động lực, tỉnh sẽ tiếp tục đổi mới nhận thức, phương thức lãnh đạo, điều hành, chuyển mạnh, toàn diện hơn từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp. Từng bước thay đổi tư duy về an ninh lương thực, nhằm tạo ra sản phẩm nông nghiệp đa giá trị, xây dựng những vùng quê đáng sống. Trong thời điểm dịch diễn biến phức tạp, Ðồng Tháp đón nhận hơn 74.000 công dân làm việc ở các nơi trở về địa phương. Ðến nay, tỉnh đã giải quyết cơ bản đối với lực lượng này và xem đây là nguồn lực, tạo sức bật cho phát triển quê hương thời gian tới.
Tôi cho rằng, trong bối cảnh bình thường mới như hiện nay, một trong những cách phục hồi kinh tế – xã hội nhanh chóng là chúng ta cần tăng cường sự kết nối, liên kết vùng. Thời gian qua, mối liên kết giữa các địa phương ÐBSCL chưa đạt kết quả như kỳ vọng. Vậy nên, để liên kết vùng bền vững, Trung ương cần sớm ban hành quy hoạch vùng; tổng kết Nghị quyết 21 của Trung ương và ban hành Nghị quyết mới có tầm nhìn đến 2050 để phù hợp với quy hoạch vùng; có cơ chế, chính sách đặc thù cho cả vùng; tăng cường đầu tư hạ tầng giao thông trọng điểm, kết nối các tỉnh trong vùng – để tháo điểm nghẽn giao thương hàng hóa; cuối cùng là nâng cao công tác giáo dục, đào tạo chất lượng cao để tháo gỡ vùng trũng về giáo dục.
Năm 2021, dù kiên định thực hiện “mục tiêu kép”, nhưng dịch bệnh kéo dài đã ảnh hưởng rất lớn đến việc mở cửa lại toàn bộ hoạt động của nền kinh tế. Quý III-2021, GRDP âm rất sâu (hơn 14%), tăng trưởng kinh tế cả năm ước tăng 4%, chưa đạt kế hoạch dù tăng trưởng dương và đứng thứ 7 ở khu vực ÐBSCL.
Năm 2022 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo tiền đề phục hồi, phát triển và thúc đẩy tăng trưởng cả giai đoạn 2021-2025. Bến Tre đặt chỉ tiêu tăng trưởng GRDP 8-8,5% trở lên. Ðể đạt mục tiêu này, tỉnh sẽ tập trung huy động nguồn lực đầu tư, đẩy mạnh kết nối thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước; thực hiện quyết liệt giải pháp về chính sách thuế, tín dụng nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất kinh doanh; tăng tốc giải ngân các nguồn vốn đầu tư; khôi phục các hoạt động dịch vụ, nhất là kinh tế du lịch; hỗ trợ DN chuyển đổi số…
Tỉnh xác định, trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” để tập trung hỗ trợ, đồng hành cùng DN, hợp tác xã và hộ kinh doanh. Ðến nay, trên 96% DN đã hoạt động trở lại, trong đó DN có công suất hoạt động từ 80% trở lên chiếm khoảng 92%. Dưới tác động của đại dịch COVID-19, thương mại điện tử, kinh tế số trở thành một giải pháp hiệu quả. Vì vậy, tỉnh đã chủ động xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch hỗ trợ chuyển đổi số 1.000 DN trên địa bàn trong ứng dụng chữ ký số, hóa đơn điện tử, website thương mại điện tử, phần mềm hội họp trực tuyến, tổng đài ảo chăm sóc khách hàng, giải pháp tăng nhận diện thương hiệu trực tuyến… để nâng cao khả năng cạnh tranh cho DN.
Thực tiễn hiện nay, không nơi nào phát triển mà không có sự liên kết, kết nối. Không thể đứng một mình, tỉnh Bến Tre mong muốn cùng với các địa phương thực hiện hiệu quả, rõ nét hơn một số hoạt động liên kết vùng. Cụ thể là: Xây dựng chuỗi cung ứng hàng hóa, liên kết thị trường giữa các địa phương theo ngành hàng, nhóm hàng để tạo năng lực cạnh tranh cho kinh tế vùng; trước hết là các sản phẩm nông sản. Phối hợp và liên kết phát triển hệ thống giao thông kết nối liên vùng, nhằm thu hút đầu tư tạo động lực phát triển cho các địa phương. Khai thác các lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do để phát triển và vận hành trung tâm lưu chuyển hàng hóa, trung tâm logistics, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ thương mại trong vùng, liên vùng.
Năm 2022, để đạt mục tiêu phục hồi kinh tế, tỉnh chủ trương kết hợp một cách có hiệu quả mọi nguồn lực từ các thành phần kinh tế. Từ tháng 12-2021, tỉnh đã phân bổ và thông báo vốn đầu tư công năm 2022 đến các chủ đầu tư để triển khai thực hiện, phấn đấu tỷ lệ giải ngân đạt trên 95% trở lên – đây là “vốn mồi” để tạo cú hích cho các thành phần kinh tế khác. Với vốn đầu tư ngoài ngân sách, tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án năng lượng sạch (đặc biệt là dự án điện khí LNG 3.200MW Bạc Liêu), dự án khu dân cư, nhà ở…, với tổng vốn đầu tư hàng ngàn tỉ đồng để sớm hoàn thành, đưa vào khai thác, tăng thu ngân sách cho tỉnh. Ðồng thời thực hiện có hiệu quả Chương trình kết nối Ngân hàng – DN; làm việc trực tiếp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – Chi nhánh Bạc Liêu để chỉ đạo các Ngân hàng thương mại tích cực hỗ trợ DN, tiếp sức cho nền kinh tế; thực hiện tốt chính sách miễn, giảm, giãn thời gian nộp thuế cho các đối tượng bị ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Với “trụ đỡ” nông nghiệp, tỉnh sẽ tiếp tục gia cố và phát triển kinh tế nông thôn, kinh tế biển. Ðẩy mạnh thu hút đầu tư vào 5 trụ cột (trong đó có nông nghiệp và năng lượng); xử lý quyết liệt các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai, giải phóng mặt bằng, thủ tục hành chính, thể chế để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư, nhằm đạt tỷ lệ giải ngân cao nhất. Tạo điều kiện và khuyến khích DN chuyển đổi số. Hiện tỉnh có 3 sàn thương mại điện tử có giao dịch gồm: Sàn giao dịch thương mại điện tử Bạc Liêu (67 thành viên), doanh thu hằng tháng 100-120 triệu đồng; Sàn giao dịch thương mại điện tử Posmart.vn (19 thành viên), doanh thu 50-80 triệu đồng/tháng; Sàn giao dịch thương mại điện tử Voso.vn (12 thành viên), doanh thu 20-50 triệu đồng/tháng. Tỉnh sẽ tiếp tục các chương trình, đề án hỗ trợ DN, với mục tiêu đến năm 2025 có 80% website thương mại điện tử có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến, 50% DN vừa và nhỏ tiến hành hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, 40% DN tham gia hoạt động thương mại điện tử trên các ứng dụng di động… Tôi tin rằng với những nỗ lực này, nền kinh tế sẽ sớm phục hồi.
Tuy nhiên, để bảo đảm tiếp tục phát triển nhanh và bền vững thì liên kết vùng ngày càng quan trọng. Trước mắt, về lĩnh vực y tế, các tỉnh, thành cần có cơ chế chia sẻ nền tảng bản đồ phòng, chống COVID-19 và thống nhất phương án quản lý di chuyển giữa các địa phương. Tôi rất mừng là tháng 10-2021, TP Cần Thơ đã chủ trì tổ chức họp mặt 6 địa phương Nam Sông Hậu (Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau) để thống nhất ký kết Chương trình liên kết hợp tác trong phòng, chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế – xã hội. Tuy mới có 6 tỉnh, thành nhưng điều này đã giúp cho các tỉnh rất nhiều trong việc vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi phát triển kinh tế thời gian tới. Tôi cho rằng việc thực thi các giải pháp liên kết vùng để có thể “biến nguy thành cơ hội”.
Năm 2021, tăng trưởng kinh tế của tỉnh tăng 3,08% (chỉ tiêu 6,5%); trong đó khu vực I tăng 4,04% – mức tăng cao nhất trong 10 năm qua của Hậu Giang và trở thành “trụ đỡ” cho nền kinh tế tỉnh. Ðể tạo nền tảng đưa Hậu Giang bứt phá trong năm 2022 và các năm tiếp theo, tỉnh đã tập trung xây dựng các chương trình, nghị quyết, kế hoạch thực hiện Nghị quyết Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ XIII, Ðại hội Ðại biểu Ðảng bộ tỉnh lần thứ XIV nhiệm kỳ 2020-2025, trọng tâm là Ðịnh hướng Chiến lược phát triển tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2030; Nghị quyết về phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo, Nghị quyết phát triển nguồn nhân lực.
Năm 2022, tỉnh đặt kế hoạch tăng trưởng GRDP tăng 8%. Ðể đạt mục tiêu này, tỉnh sẽ tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu kép; đẩy nhanh độ bao phủ vaccine phòng COVID-19 cho toàn dân. Tăng cường tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục hành chính cho DN, cải thiện hiệu quả thực thi pháp luật nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ cho sự phục hồi bền vững của các DN trước tác động của dịch COVID-19. Tiếp tục triển khai Ðề án hỗ trợ DN nhỏ và vừa, chuyển đổi hộ kinh doanh lên DN giai đoạn 2020-2025 trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh cũng công bố rộng rãi, đầy đủ và kịp thời thông tin về quy hoạch, danh mục các dự án kêu gọi đầu tư trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh và Trang Thông tin điện tử của các sở, ban, ngành tỉnh và UBND huyện, thị xã, thành phố. Lấy năm 2022 là năm Doanh nghiệp tỉnh Hậu Giang, với quan điểm “Doanh nghiệp đến, Hậu Giang vui”. Xây dựng danh mục ưu tiên doanh nghiệp đầu tư nhằm tối ưu hóa hiệu quả kinh tế – xã hội, thu hút đầu tư với khẩu hiệu hành động “2 nhanh” và “3 tốt”. Ðó là “nhanh giải phóng mặt bằng và thủ tục đầu tư”; 3 tốt là “cơ hội tốt, chính sách tốt, hạ tầng tốt”. Tỉnh sẽ ưu tiên phân bổ ngân sách chi đầu tư phát triển cho mục tiêu tạo quỹ đất sạch khu công nghiệp (phần còn lại khoảng 46ha) và hạ tầng khu công nghiệp (khoảng 25 ha); đầu tư hạ tầng giao thông cho các tuyến đường kết nối với khu công nghiệp, cụm công nghiệp của tỉnh, tạo động lực mới thu hút nhà đầu tư đến với Hậu Giang. Xây dựng Ðề án phát triển khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, trong đó thành lập mới 7 khu công nghiệp với diện tích 1.884ha tại huyện Châu Thành, Châu Thành A và Phụng Hiệp; thành lập mới 5 cụm và mở rộng 2 cụm công nghiệp hiện hữu tại các huyện, thị xã, thành phố, với diện tích khoảng 261,5ha
Tỉnh tiếp tục dành nguồn lực thỏa đáng hỗ trợ giải quyết các điểm nghẽn phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch. Khuyến khích doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, góp phần cho kinh tế – xã hội địa phương.