Hội nghị trực tuyến ban chấp hành lần thứ 4, khóa VI, nhiệm kỳ 2020-2025
Cần đa dạng về loại hình, hình thức hợp tác trong ngành nghề, lĩnh vực, thành phần kinh tế
Năm 2021, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường trên diện rộng, ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã; tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2021 là 2,58%. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, Quý I tăng 4,72%; quý II tăng 6,73%; quý III giảm 6,02%; quý IV tăng 5,22%. Theo đó, khu vực KTTT, HTX đã giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội và tái cơ cấu kinh tế.
Ngày 10/01, Liên minh HTX Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến ban chấp hành (BCH) lần thứ 4, khóa VI, nhiệm kỳ 2020-2025, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo chủ trì Hội nghị.
Theo báo cáo tại Hội nghị, đến hết năm 2021, cả nước thành lập mới 2.283 HTX, trung bình 36 HTX/tỉnh, tăng 7 % so với năm 2020; có 119.710 THT, tăng 0.4% so với năm 2020; đạt 108 LH HTX, tăng +6% so với năm 2020. Về tổng số thành viên, khu vực KTTT, HTX thu hút gần 7 triệu thành viên, tăng hơn 23.453 thành viên so với năm 2020. Về tổng số lao động, hiện có 1,3 triệu lao động, trong đó có 2/8 vùng kinh tế có số lao động thường xuyên tăng so với năm 2020 như Tây Bắc 85.282 người, tăng 2.451 người (+8,7%), Tây Nguyên 26.810 người, tăng 1.343 người (+5,3%).
Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo cho biết, năm 2021, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường trên diện rộng, ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội, khu vực KTTT, HTX. Tuy nhiên, Các loại hình THT, HTX, LHHTX nâng cao hiệu quả cung ứng dịch vụ đầu vào, tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh liên kết thành viên, tư vấn, hỗ trợ mang lại lợi ích cho các thành viên; tăng chế biến sâu; tổ chức sản xuất an toàn, linh hoạt theo diễn biến và các quy định khác nhau của mỗi địa phương trong từng giai đoạn dịch Covid-19, đóng vai trò quan trọng trong hạn chế đứt gãy của các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị.
Hoạt động của THT được đẩy mạnh hơn trong các điều kiện giãn cách hoặc không giãn cách, chủ yếu hướng vào mục đích giúp đỡ, tương trợ nhau trong sản xuất và đời sống, phù hợp sản xuất quy mô nhỏ trong trao đổi kinh nghiệm sản xuất, hỗ trợ nhau về giống, kỹ thuật, tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, cung cấp thông tin và tiêu thụ sản phẩm, động viên và cùng nhau tổ chức sản xuất, xây dựng quỹ tương trợ vốn sản xuất (thông qua trao đổi trực tiếp, internet, mạng xã hội Zalo, Facebook, họp nhóm…).
Báo cáo tại Hội nghị, bà Phạm Thị Tố Oanh, Trưởng ban Chính sách và Phát triển HTX, Liên minh HTX Việt Nam thông tin: các HTX nông nghiệp trong thời kỳ không giãn cách (tháng 1 đến tháng 4) và đặc biệt Quý IV, ghi nhận 17/63 tỉnh, thành phố, các HTX đạt hoặc vượt kế hoạch, mục tiêu trong năm về diện tích sản xuất và sản lượng nông sản đề ra.
Trong giai đoạn giãn cách xã hội, các HTX nông nghiệp thích ứng linh hoạt dựa trên một số kinh nghiệm chịu tác động một số đợt dịch năm 2019-2020; tổ chức sản xuất, duy trì sản xuất và sản lượng đạt mức 31,8-67,6% so với cùng kỳ hàng năm. Bên cạnh đó, một số HTX (17-22,8%) đã kịp thời trong chuyển đổi phương thức tiêu thụ sản phẩm tập trung, đẩy mạnh chuyển đổi số, áp dụng nông nghiệp thông minh, công nghệ cao, sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn, chất lượng, có thương hiệu, xuất xứ sản phẩm (OCOP, hữu cơ, GlobalGap …)
Bên cạnh đó, bà Oanh nhấn mạnh theo từng giai đoạn trong năm 2021 và tùy điều kiện các quy định tại địa phương, một số loại hình HTX phi nông nghiệp như HTX vận tải hoạt động 12,1%-51,6%, HTX xây dựng hoạt động 1,5%-61,8%, HTX chợ hoạt động 41,2-81,2%, HTX du lịch hoạt động cao nhất là 21,5%. Các hoạt động duy trì trong thời kỳ giãn cách nhằm kết hợp với HTX nông nghiệp trong cung ứng, tiêu thụ sản phẩm, phục vụ nhu cầu thiết yếu, kết hợp sản xuất kinh doanh truyền thống; trong thời kỳ không có quy định giãn cách, tập trung liên kết, đầu tư sản xuất phục hồi kinh tế, tạo việc làm cho các thành viên và người lao động.
Trước bối cảnh dịch bệnh Covid-19, QTDND đã tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ dân về mặt thủ tục (hình thức trực tuyến, điện thoại…), hỗ trợ người dân về nguồn vốn vay để phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao đời sống, tạo việc làm trong thời kỳ dịch.
Một số LHHTX nâng cao dịch vụ cung ứng đầu vào, thu mua, giải cứu nông sản cho các HTX thành viên. Điển hình như LHHTX Nông sản an toàn tỉnh Sơn La, LHHTX tiêu thụ an toàn nông sản an toàn Việt Nam, Liên hiệp HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tổng hợp Đồng Nai (DonaCoop), LHHTX Chế biến Xuất khẩu thanh long Bình Thuận; LHHTX Artemia tỉnh Sóc Trăng; LHHTX rau Hưng Phát. tỉnh Lâm Đồng (cung ứng đầu vào),… Nổi bật, một số LHHTX (Saigon Coop, SATRA, HTX liên kết chuỗi CocoFood (Hải Dương),… đóng vai trò quan trọng trong cung ứng, tiêu thụ, bình ổn giá cả.
Cả hệ thống cùng HTX vượt qua thách thức
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Liên minh HTX Việt Nam cho rằng, các HTX hiện nay vẫn gặp những khó khăn nhất định về nguồn nhân lực chất lượng cao; năng lực quản trị, tiếp thị và tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi cung ứng. Đặc biệt, một số chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với HTX khó thực hiện do dịch Covid-19 như xúc tiến thương mại, bồi dưỡng nguồn nhân lực… gặp khó khăn trong triển khai tại một số tỉnh thành phố, đặc biệt là các tỉnh khu vực miền Nam do chấp hành các quy định về phòng dịch của Chính phủ, HTX chưa tiếp cận được phương pháp làm việc trực tuyến, phải trả lại kinh phí về ngân sách nhà nước. Việc nắm bắt và tiếp cận các chính sách hỗ trợ của HTX, số lượng HTX được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ còn hạn chế.
So sánh với năm 2020, hơn 41,6% HTX giảm doanh thu và lợi nhuận. Lao động bị cắt giảm, nghỉ việc không lương chiếm hơn 42,8% tổng số lao động. Theo thống kê, trong khu vực KTTT, HTX ở Phú Yên có 1.039 lao động mất việc làm.
HTX nông nghiệp sản lượng tiêu thụ và giá bán một số thời điểm trong năm giảm mạnh, tồn kho lớn, không vận chuyển tiêu thụ được. Đặc biệt, thời điểm cuối quý II và quý IV, cả nước, lượng tồn kho trên 1.300.000 tấn nông sản (lúa, rau, trái cây, thịt, gia cầm, trứng,…); nhiều hàng hóa bị dồn ứ, thối, hỏng ở cửa khẩu nhiều ngày, chi phí vận chuyển; Lạng Sơn, tính đến ngày 25/12/2021, tổng số xe container hàng hóa xuất khẩu còn tồn tại khu vực các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn là 4.204 xe, chủ yếu là mít, sầu riêng, dưa hấu, thanh long, ván bóc, linh kiện điện tử…, trong đó, rất nhiều loại nông sản đang có nguy cơ giảm chất lượng, thối hỏng.
HTX công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp gặp khó khăn về vật tư đầu vào, do đứt gãy chuỗi cung ứng ở trong nước và nhập khẩu, sản xuất, phân phối, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn do số lượng đơn hàng và khách hàng mua giảm, tồn kho tăng, khoảng 34,9% HTX bị thu hẹp và tạm ngừng sản xuất, 343 HTX giải thể; HTX thương mại và dịch vụ gặp khó khăn về nguồn hàng cung cấp, tiêu thụ và doanh thu giảm; QTDND gặp khó khăn trong phát triển thành viên mới, doanh số cho vay giảm, nợ xấu có xu hướng tăng.
Tiếp tục đi cùng nhau để phát triển có hiệu quả
Để tiếp tục phát triển KTTT, HTX hiệu quả và bền vững trong năm 2022, Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng cần đa dạng về loại hình, hình thức hợp tác trong ngành nghề, lĩnh vực, thành phần kinh tế; HTX, LHHTX, THT tăng về số lượng, quy mô, chất lượng và hiệu quả, đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của quốc gia, vùng, địa phương. Bên cạnh đó, chú trọng phát triển sản phẩm, chế biến sâu, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu quốc tế; thu hút các hộ nông dân, nông thôn là thành viên HTX, góp phần tích cực phòng chống dịch Covid-19, phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội bền vững, ổn định xã hội, giữ gìn bản sắc văn hoá và bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, các đại biểu tham gia cuộc Hội nghị đồng nhất với quan điểm, các THT, HTX, LH HTX đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động, liên kết trong sản xuất của KTTT, HTX. Chính quyền địa phương khuyến khích, hỗ trợ cac THT, HTX, LH HTX chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghệ 4.0, đẩy mạnh thực hiện chueyern đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, đào tạo nguồn nhân lực, nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường, xúc tiến thương mại, thương mại điện tử; chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm đạt tiêu chuẩn để xây dựng thương hiệu có uy tín trên thị trường.
Cùng với đó, hệ thống Liên minh HTX Việt Nam phối kết hợp các nguồn lực từ các Bộ, các cấp, các ngành, chính quyền địa phương nhằm tư vấn, hỗ trợ cho các HTX, thành viên (đào tạo, vốn, khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại…) nhằm tập trung tối đa nguồn lực, liên kết trong sản xuất kinh doanh, phục hồi kinh tế, sản xuất an toàn, thích ứng linh hoạt với những diễn biến của dịch Covid-19; thường xuyên cập nhật thông tin, các khó khăn và đề xuất các giải pháp hỗ trợ THT, HTX, LH HTX.
Với công tác hợp tác quốc tế, các cấp, ngành, HTX, LH HTX tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế như Liên minh HTX quốc tế (ICA), các tổ chức HTX các nước, các tổ chức đại diện và hỗ trợ HTX các nước để học hỏi kinh nghiệm, hợp tác, liên kết mở rộng thị trường; tranh thủ sự hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật, thiết bị, máy móc, liên kết và mở rộng thị trường, đáp ứng mục tiêu phát triển của khu vực KTTT, HTX.
Tại Hội nghị trực tuyến BCH lần thứ 4 khoá VI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 của Liên minh HTX Việt Nam, các đại biểu đã tập trung thảo luận một số nội dung về: Tình hình phát triển KTTT, HTX năm 2021; mục tiêu và giải pháp năm 2022; Tình hình hoạt động của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam năm 2021; triển khai nhiệm vụ năm 2022; Kết quả công tác năm 2021; chương trình, kế hoạch năm 2022 của Uỷ ban Kiểm tra Liên minh HTX Việt Nam; Thông tin về Kế hoạch xây dựng Báo cáo kết quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ, mô hình tổ chức, quy chế hoạt động của Liên minh HTX Việt Nam.