Nông dân trồng hoa Tết ở Cần Thơ tính chuyện bỏ sạp, bán online

Nông dân trồng hoa Tết ở Cần Thơ tính chuyện bỏ sạp, bán online

Bà con làng hoa Phó Thọ – Bà Bộ (Cần Thơ) đang tính việc bán online và nhờ Liên minh HTX để bán, mong được giá, hết hàng.

Giá phân bón, thuốc trừ sâu "leo thang" từng ngày

Đến thời điểm hiện tại, người dân trồng hoa của làng hoa kiểng truyền thống hơn 80 năm tuổi – làng hoa Phó Thọ – Bà Bộ (phường Long Hòa, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) đang bước vào giai đoạn tất bật. Họ đang chuẩn bị sẵn sàng đưa hoa kịp thời phục vụ trong dịp Tết Nguyên đán năm nay.

Đa số người dân nơi đây trồng những loại hoa được ưa chuộng để trưng bày dịp Tết như: cúc mâm xôi, cúc Pha lê, cúc Đài Loan, hoa vạn thọ, hướng dương, cát tường… Từ đầu tháng 6 Âm lịch, nông dân làng hoa đã bắt tay vào xuống giống vụ hoa Tết để kịp thời xuất bán vào giữa tháng 12 Âm lịch. Tuy vậy, năm nay do ảnh hưởng bởi dịch bệnh kéo dài, đã gây khó khăn cho nông dân trong việc xuống giống và xuất bán.

Giá nguyên vật liệu tăng mạnh, nhiều nông dân lao đao.

Theo một số người trồng hoa, năm nay giá phân bón, thuốc trừ sâu tăng mạnh gây khó khăn cho bà con trong việc xuống giống. Bà Đỗ Thị Hoa (56 tuổi), người có tay nghề trồng hoa lâu năm tại làng nghề cho biết: “Năm nay giá phân bón, thuốc cỏ, thuốc trừ sâu đều tăng và mỗi đợt mua là mỗi lần tăng giá.

Vào năm trước thuốc trị bệnh cho hoa, tôi mua vào chỉ có giá 110.000 đồng/gói 500 gam. Khi vào đợt dịch giá tăng lên 150.000 đồng và đến thời điểm này giá đã tăng lên 170.000 đồng. Còn phân bón mỗi khi dùng hết bao này, đi mua bao khác giá lại tăng lên”.

Đồng thời, giá đầu vào như cây giống, chậu… đều tăng giá và khó mua hơn những năm trước. Nói về khó khăn trong thời điểm vừa xuống giống, người trồng hoa cho biết, giữa lúc cây giống nhập về là thời điểm các tỉnh thành đang áp dụng Chỉ thị 16 về giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19, xe cộ không thể di chuyển.

Người trồng hoa đang chuẩn bị tất bật cho thời điểm cận Tết.

Mà nếu được thì việc vận chuyển cũng rất khó khăn, hơn nữa các cơ sở nuôi cây giống cũng không sản xuất nhiều do dịch bệnh. Từ đó, đẩy giá thành nguyên vật liệu tăng cao.

Tính chuyện bán hoa online

Vì lo sợ dịch bệnh kéo dài ảnh hưởng đến việc tiêu thụ, vườn hoa của anh Võ Ngọc Ẩn (45 tuổi, làng hoa Bà Bộ – Phó Thọ) năm nay chỉ xuống giống chưa tới 2.000 chậu hoa. Trong khi năm trước, anh Ẩn đã vun trồng và bán ra hết 4.000 chậu (giảm hơn 50% số chậu).

Từ việc phải đầu tư cao cho quá trình xuống giống và chăm sóc, nhưng dự báo việc tiêu thụ sẽ khó khăn vì dịch bệnh, nhiều người không muốn chi tiền mua hoa khi thu nhập cả năm qua giảm hẳn. Giờ đây nông dân trồng hoa Tết ở làng hoa Phó Thọ – Bà Bộ đang từng ngày trăn trở về giá cả tiêu thụ.

Nhiều nông dân cho biết, vào năm nay dịch bệnh đã gây ảnh hưởng chung cho kinh tế của đa số người dân, nếu tăng giá bán ra sẽ làm khó cho người mua và có thể lượng người mua sẽ giảm, dẫn đến việc người nông dân phải “ôm” hoa vào đêm 30 Tết. Nhưng nếu vẫn giữ giá bán như mọi năm thì nông dân phải chịu lỗ. Do vậy, giá hoa Tết năm nay vẫn sẽ tăng nhẹ để vừa đảm bảo cho nông dân không bị lỗ so với chi phí mua nguyên liệu đầu vào và vừa đảm bảo hợp lý về giá cả cho khách hàng.

Anh Ẩn cho biết thêm, năm trước chậu hoa cúc Pha lê được bán ra với giá 220.000 đồng/cặp, nhưng năm nay anh đã tăng số cây vào mỗi chậu cho chậu hoa được nhiều và đẹp hơn để dự định bán ra với giá 250.000 đồng/cặp. Cúc Đài Loan mỗi năm bán 200.000 đồng/cặp, năm nay sẽ tăng lên 250.000 đồng/cặp.

Làng hoa Phó Thọ - Bà Bộ đã có hơn 80 năm truyền thống.

Để phòng dịch bệnh Covid-19, năm nay người trồng hoa sẽ hạn chế mang hoa ra lô, sạp để bán. Thay vào đó, hình thức tiêu thụ chủ yếu là bán cho thương lái và bán lẻ cho khách đến mua tại vườn. Hơn 3 năm nay, một số nông dân trồng hoa tại làng nghề cũng đã tiếp cận được với hình thức đăng hình những chậu hoa lên mạng để bán online.

Ông Đoàn Hữu Bốn, Giám đốc HTX Hoa kiểng Bình An (phường Long Hòa, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) cho biết: “Vài năm gần đây ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên việc bán ra lô, sạp cũng tương đối khó khăn nên gia đình tôi và vài bà con ở đây đã tận dụng mạng xã hội để đăng bán. Khi có khách đặt mua bà con sẽ ship đi. Khi đăng lên mạng sẽ đăng đúng giá thị trường còn chi phí vận chuyển thường là khách sẽ trả”.

Ông Bốn cho biết thêm, riêng ông dự định sẽ mang hoa đăng hình ảnh lên hệ thống Liên minh HTX TP Cần Thơ bày bán, thông qua đó giới thiệu được sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ.

“Trước kia trên trang của Liên minh HTX Cần Thơ, tôi thấy được những anh em của HTX ở Phong Điền, Ô Môn, Thốt Nốt… mang hình ảnh sản phẩm của mình như rau, củ, lúa gạo… lên để giới thiệu. Tôi thấy việc này mang lại hiệu quả trong việc tiêu thụ. Từ đó tôi cũng biết đến và hòa nhập vào để giới thiệu cho hoa của mình”, ông Bốn nói.

Theo Giám đốc HTX Hoa kiểng Bình An, hiện làng nghề hoa kiểng Phó Thọ – Bà Bộ đang có 227 hộ dân trồng hoa, có 6 hộ trồng cây kiểng chuyên nghiệp, đa số là bà con trồng chuyên canh giữa cây kiểng và hoa. Ngoài vụ hoa Tết, vào các thời điểm khác trong năm, người dân trồng hoa phục vụ các ngày đầu tháng Âm lịch, ngày rằm…

Theo Báo Giao Thông online

All in one
Lên đầu trang