Cần Thơ: Tiếp sức hợp tác xã phi nông nghiệp vượt khó
Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, hầu hết các hợp tác xã (HTX) phi nông nghiệp đều gặp khó trong việc tổ chức các dịch vụ tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa bị tồn kho,… Hiện các ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương đã và đang triển khai nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ tiếp sức cho HTX ổn định hoạt động, từng bước khôi phục sản xuất, phát triển các kênh tiêu thụ hàng hóa trong điều kiện bình thường mới.
TP Cần Thơ có 29 HTX thương mại – dịch vụ, trong đó có nhiều HTX kinh doanh chợ truyền thống đã tạm dừng hoạt động từ ngày 12-7-2021 để phòng dịch; có 23 công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp bị giảm quy mô hoạt động, sản phẩm tồn kho nhiều, do gặp khó trong khâu tổ chức dịch vụ thu mua hay kết nối tiêu thụ sản phẩm, nhất là gặp khó trong khâu vận chuyển hàng hóa liên tỉnh… Ðặc biệt, trong thời gian giãn cách xã hội, nhiều HTX sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu đã tiết giảm quy mô hoạt động, chỉ duy trì 1/3 số lượng công nhân để sản xuất “3 tại chỗ” nhằm đáp ứng cho các đơn hàng xuất khẩu. Còn HTX Quốc Noãn ở xã Trường Thành, huyện Thới Lai thì không thể kết nối với các đơn vị thu mua, dẫn đến số lượng hàng bị tồn kho nhiều, do không thể vận chuyển hàng đi liên tỉnh. Ðiều này, không chỉ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người lao động và thu nhập của thành viên, mà còn làm sụt giảm doanh thu, gây khó cho việc tái đầu tư sản xuất của các HTX sau thời gian giãn cách xã hội.
Ông Nguyễn Ngọc Nà, Giám đốc HTX Quốc Noãn, cho biết: Trong thời gian giãn cách xã hội, HTX có nhận được nhiều đơn mua cần xé từ các đối tác ở Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng…, nhưng không thể giao hàng được, do sản phẩm của HTX không phải là hàng thiết yếu nên không được lưu thông liên tỉnh. Trong khi đó, khách hàng đang cần mua cần xé để đựng trái cây hoặc thủy sản đang vào mua thu hoạch, dẫn đến nhiều đơn hàng bị hủy vì không giao được. Vì vậy, HTX đã bị tồn kho hơn 1.500 sản phẩm giỏ, cần xé và hàng ngàn sản phẩm thủ công, hàng trang trí không xuất bán được, làm ảnh hưởng đến đời sống và thu nhập của 25 thành viên và người lao động thường xuyên tại HTX. Theo ông Nguyễn Ngọc Nà, hiện nhiều tỉnh, thành vùng ÐBSCL đã nới lỏng giãn cách, nhưng việc lưu thông hàng hóa liên tỉnh, nhất là các mặt hàng không nằm trong danh mục hàng thiết yếu rất khó. Trong khi đó, cuối tháng 9-2021 HTX cũng bắt đầu nhận đơn đặt hàng làm giỏ hoa, phục vụ nhu cầu trồng hoa kiểng cho thị trường Tết 2022 hay làm các loại cần xé đựng nông sản theo yêu cầu của các khách hàng trong và ngoài vùng ÐBSCL. Do đó, HTX mong dịch bệnh sớm được đẩy lùi, các địa phương trong và ngoài vùng ÐBSCL có phương án tổ chức, tạo thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa liên tỉnh, từ đó HTX có thể thu mua được nguyên liệu để tái sản xuất cũng như giao hàng đến các nơi trong và ngoài thành phố được dễ dàng hơn, từng bước khôi phục sản xuất, giải quyết việc làm và tạo thu nhập cho người lao động tại địa phương.
HTX Thuận Tiến là một trong những HTX thương mại – dịch vụ chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Ông Nguyễn Văn Ðinh, Phó Giám đốc HTX Thuận Tiến, quận Ninh Kiều, cho biết: Do lo ngại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nên lượng khách mua hàng trực tiếp tại cửa hàng đã giảm trên 80%. Theo đó, ngoại trừ gạo và nước mắm, các mặt hàng thực phẩm khô, bánh, trà, cà phê… rất khó tiêu thụ, khiến doanh số và doanh thu của HTX bị sụt giảm đáng kể. Do đó, HTX mong muốn dịch bệnh sớm được kiểm soát, các hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố dần được mở cửa trở lại, người dân có thu nhập, từ đó thúc đẩy tiêu dùng, tạo điều kiện cho HTX ổn định hoạt động kinh doanh, tạo việc làm và thu nhập cho thành viên HTX.
Ðể hỗ trợ tháo gỡ kịp thời những khó khăn và vướng mắc, điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh cho các HTX từ nay đến cuối năm 2021, ông Nguyễn Ðức Phương, Chủ tịch Liên minh HTX TP Cần Thơ, cho biết: Liên minh HTX thành phố đã đề xuất các cấp, các ngành xem xét giảm 50% thuế thu nhập cho HTX trong năm 2021 và năm 2022; miễn lệ phí môn bài cho tất cả HTX; xem xét, hỗ trợ lãi các khoản vay mới để thành viên HTX, tổ hợp tác tiếp tục sản xuất kinh doanh; hỗ trợ đưa lao động trẻ có trình độ cao đẳng, đại học phù hợp với nhu cầu, lĩnh vực hoạt động của HTX. Ngoài chính sách thực hiện miễn giảm thuế, thành phố cần hỗ trợ cho các HTX xây dựng các dự án đổi mới công nghệ, khai thác nguồn vốn từ quỹ khuyến công cho các HTX làng nghề, thủ công mỹ nghệ nâng cao năng suất, chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm; hỗ trợ đào tạo cho đội ngũ nhân viên, cán bộ HTX tăng cường ứng dụng công nghệ, giao dịch thương mại điện tử vào các hoạt động sản xuất kinh doanh,… Từ đó, giúp các HTX thích ứng với điều kiện kinh doanh qua môi trường mạng, từng bước khôi phục sản xuất kinh doanh, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho thành viên và người lao động làm việc tại các HTX. Cùng với đó, Chính phủ đã ban hành Nghị Quyết số 105/NQ-CP ngày 9-9-2021 về hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19, với mục tiêu là tập trung khôi phục, phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh, gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19; đồng thời, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh, giảm thiểu tối đa số doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh ngừng hoạt động, giải thể, phá sản do tác động với dịch bệnh… Ðây được xem là Nghị quyết mở đường để hỗ trợ khu vực kinh tế tập thể, HTX phục hồi trong điều kiện bình thường mới.