Phát triển nông nghiệp, nâng cao thu nhập người dân nông thôn

Phát triển nông nghiệp, nâng cao thu nhập người dân nông thôn

Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (Nghị quyết 26) ra đời năm 2008 và triển khai đi vào cuộc sống đã tạo “đột phá” đổi mới, phát triển toàn diện bộ mặt nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn TP Cần Thơ. Trong 13 năm qua, được sự quan tâm của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị thành phố triển khai thực hiện Nghị quyết 26, Cần Thơ đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong quá trình hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống người dân.

Sản xuất lúa trong mô hình cánh đồng lớn ở huyện Thới Lai.

Nâng cao thu nhập người dân nông thôn

Các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các ngành, cơ quan, đơn vị đã phát huy tinh thần trách nhiệm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng, ban hành kịp thời các kế hoạch, chương trình hành động để tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết 26 trong toàn Ðảng bộ, từ thành phố đến cơ sở. Ðồng thời, tuyên truyền, phổ biến các nội dung của Nghị quyết 26 đến các tầng lớp nhân dân, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong xây dựng và phát triển thành phố. Thành phố cũng ban hành nhiều cơ chế, chính sách để thực hiện hiệu quả Nghị quyết 26. Từ đó, đã thúc đẩy đổi mới, phát triển nông nghiệp và kinh tế – xã hội khu vực nông thôn trên địa bàn thành phố. Ðặc biệt là đổi mới và xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ có hiệu quả ở nông thôn. Thúc đẩy thực hiện tái cơ cấu nền nông nghiệp thành phố theo hướng hiện đại, toàn diện để nâng cao giá trị gia tăng, thích ứng biến đổi khí hậu. Phát triển công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn. Xây dựng nông thôn mới gắn xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của cư dân nông thôn.

Ðến cuối năm 2020, thành phố có 36/36 xã và 4/4 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành xây dựng nông thôn mới trước 1 năm so với lộ trình kế hoạch đề ra, trong đó có 10 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao”. Ðến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 43,32 triệu đồng, tăng 2,65 lần so với năm 2010. Giai đoạn 2010-2020, thành phố đã đào tạo nghề cho 41.145 lao động nông thôn và tỷ lệ hộ nghèo hằng năm giảm bình quân trên 1%. Năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều còn 0,29%, trong khi thời điểm năm 2009 là 5,62%.

Sản xuất nông nghiệp chuyển biến mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, phù hợp với các tiêu chuẩn theo quy định và đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi. Các quy trình sản xuất tiên tiến, thân thiện với môi trường được phổ biến nhân rộng. Các mô hình về hợp tác, liên kết và tham gia chuỗi giá trị giữa các chủ thể của các thành phần kinh tế từ sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm được hình thành…

Thúc đẩy phát triển “tam nông”

Nghị quyết 26 được tổ chức triển khai đi vào đời sống đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, thúc đẩy nông nghiệp phát triển và đổi mới diện mạo nông thôn, từ đó nâng cao được chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn và đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế – xã hội của thành phố. Song, bên cạnh những kết quả đạt được, thành phố vẫn còn gặp những hạn chế trong phát triển “tam nông”. Ðáng chú ý, thu nhập của đa phần nông dân và người lao động ở nông thôn vẫn còn thấp, nhiều lĩnh vực sản xuất nông nghiệp chưa được đầu tư, khai thác đúng mức tiềm năng, lợi thế để nâng cao hiệu quả lâu dài. Ðầu tư cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Công tác nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp và chất lượng hoạt động của kinh tế tập thể còn hạn chế. Việc phát triển các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn gặp khó do chi phí đầu tư quá lớn, nhiều cơ sở sản xuất chưa đủ điều kiện tài chính. Sản xuất nông nghiệp dễ bị tổn thương bởi tác động của dịch bệnh, thiên tai và biến đổi khí hậu… Tới đây, các cấp ủy đảng, chính quyền thành phố cần tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt các nội dung Nghị quyết 26 và các chủ trương, nghị quyết, chương trình, kế hoạch của Trung ương và thành phố về phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Quan tâm tháo gỡ khó khăn, kịp thời đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức và hành động của tất cả các bên liên quan.

Ông Phạm Trường Yên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho rằng: “Cần đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền vận động, nâng cao nhận thức trong nhân dân về sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh và có các chính sách về phát triển nông nghiệp 4.0. Ðẩy mạnh thu hút đầu tư, đa dạng hóa nguồn vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và tạo thuận lợi cho nông dân, doanh nghiệp trong tiếp cận vốn. Tăng cường công tác thông tin thị trường, hỗ trợ sản phẩm nông nghiệp tham gia vào sàn giao dịch nông sản gắn xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý…”.

Ông Ngô Anh Tín, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ, cũng kiến nghị: “Cần tiếp tục tuyên truyền sâu rộng đến nông dân, doanh nghiệp, nhất là các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn về vai trò, tầm quan trọng của việc ứng dụng khoa học kỹ thuật để tạo động lực tăng trưởng xanh, bền vững và phát triển ngành nông nghiệp, nâng cao đời sống, vật chất của người nông dân”.

Theo ông Nguyễn Vũ Phương, Chủ tịch Hội Nông dân TP Cần Thơ, tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết 26 và các chương trình, kế hoạch hành động của thành phố, tới đây Hội Nông dân thành phố tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, vận động hội viên nông dân thay đổi nhận thức về phát triển nông nghiệp, nông thôn trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường. Mục tiêu phấn đấu là đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, trí thức hóa nông dân. Mặt khác, phối hợp với các ngành, địa phương tăng cường công tác đào tạo nghề cho nông dân với phương pháp và cách làm phù hợp gắn với tổ chức tốt các dịch vụ tư vấn nông dân, chuyển giao khoa học công nghệ, hướng dẫn nông dân tổ chức lại sản xuất theo hướng chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa quy mô lớn theo chuỗi giá trị. Tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, tuyên dương nông dân điển hình trong sản xuất, kinh doanh giỏi…

Đồng chí Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Cần Thơ, yêu cầu các cấp ủy đảng, MTTQ, các đoàn thể trên địa bàn thành phố cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc, toàn diện và có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết, chính sách của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Nâng cao hơn nữa nhận thức trong cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tạo sự chuyển biến tích cực, sự đồng thuận cao từ nhận thức đến hành động trong thực hiện. Các địa phương, đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình thực hiện các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp về nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo tinh thần Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XIV của Đảng bộ thành phố, với những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, phù hợp tình hình thực tế của địa phương, cơ quan, đơn vị. Tập trung xây dựng, phát triển nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, đảm bảo chất lượng, hội nhập quốc tế theo chiều sâu và nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn...

Theo Báo Cần Thơ
Tác giả: Khánh Trung

All in one
Scroll to Top