Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã: Quan tâm đến “đại bàng” nhưng cũng đừng quên “chim sẻ”

Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã: Quan tâm đến “đại bàng” nhưng cũng đừng quên “chim sẻ”

Kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX) đóng góp vai trò quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, kinh tế nông nghiệp nông thôn bền vững. Do đó, các địa phương cần quan tâm thực sự đến sự phát triển của HTX, coi HTX là một phần của kinh tế nông thôn, chúng ta quan tâm đến “đại bàng” nhưng cũng đừng quên “chim sẻ”.

Mới có khoảng 24% HTX liên kết hiệu quả với doanh nghiệp

Tại Hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT và 10 năm thi hành Luật HTX năm 2012 trong lĩnh vực nông nghiệp diễn ra sáng ngày 19/10, ông Lê Đức Thịnh- Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT))- cho biết: sau 20 năm thực hiện Nghị Quyết 13, số lượng HTX nông nghiệp đã tăng 12.569. Từ năm 2012 đến nay, trung bình mỗi năm tăng thêm 800 HTX. Không chỉ tăng nhanh về số lượng mà chất lượng và hiệu quả hoạt động của các HTX nông nghiệp cũng đã được cải thiện (trong đó có 2.200 HTX ứng dụng công nghệ cao). Năm 2020, doanh thu của các HTX đạt bình quân 2,44 tỷ đồng/năm, thu nhập bình quân của người lao động thường xuyên đạt 40,5 triệu đồng/năm, gấp 9,1 lần so với năm 2001.

Sản xuất theo mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là hướng đi mới của nhiều HTX nông nghiệp

Bên cạnh những kết quả đạt được về KTTT, HTX vẫn bộc lộ những hạn chế, bất cập. Quá trình tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết 13 còn chậm, một số cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương còn lúng túng, thiếu các biện pháp, giải pháp cụ thể, thậm chí chưa thực sự quan tâm đúng mức đến KTTT, HTX. Số lượng HTX thành lập mới tăng mạnh, nhưng số HTX hoạt động có hiệu quả còn thấp, thiếu tính bền vững, quy mô thành viên và doanh thu của các HTX nông nghiệp còn nhỏ bé. Các dịch vụ sơ chế, chế biến, bảo quản, số lượng các HTX có khả năng liên kết hiệu quả với doanh nghiệp, chế biến và tiêu thụ nông sản cho thành viên HTX và nông dân cũng chưa nhiều, mới chỉ đạt khoảng 24% tổng số HTX.

Trước tình hình trên, Bộ NN&PTNT đề nghị Trung ương, Bộ Chính trị ban hành mới Nghị quyết về “Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT” với trọng tâm và mục tiêu quan trọng là xây dựng quan hệ sản xuất mới trong sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy đoàn kết, tương hỗ và phúc lợi xã hội.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo- Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam- đánh giá, ước đến cuối năm 2021, chúng ta có gần 27.000 HTX, tổ hợp tác (THT). Tổ chức sản xuất theo chuỗi cung ứng với HTX nông nghiệp ngày càng rõ nét. Đặc biệt, quy mô vốn, tài sản, sản lượng doanh thu của HTX cũng ngày càng gia tăng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng, mặc dù xu hướng phát triển HTX nông nghiệp là yếu tố khách quan phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, bên cạnh việc thiếu quy hoạch chuỗi sản xuất cung ứng của các sản phẩm chủ lực của quốc gia, địa phương thì chi phí logistics của các sản phẩm chiếm trên 20% GDP, trong khi các nước 9-13% khiến nông sản Việt khó cạnh tranh. 85% nông sản của nông dân phân phối qua thương lái, chợ đầu mối. Nông sản của HTX đi thẳng nhà máy chế biến, siêu thị còn hạn chế. Trong khi đó, các chính sách hỗ trợ cho khu vực này thường lồng ghép vào chương trình mục tiêu quốc gia, chứ chưa có chương trình riêng khiến hoạt động khu vực KTTT, HTX chưa thực sự hiệu quả.

Cần có chính sách riêng cho khu vực KTTT, HTX

Khẳng định, KTTT, HTX phải đóng vai trò chủ lực trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông dân, nông thôn, do đó, ông Nguyễn Ngọc Bảo kiến nghị, Trung ương cần ban hành Nghị quyết mới, xác định quan điểm, cách làm mới trong điều kiện mới của nền kinh tế như biến đổi khí hậu, dịch Covid-19. KTTT, HTX cần phải được tổ chức sản xuất theo mô hình chuỗi giá trị thì mới mang lại hiệu quả. Trong đó, không quan tâm quá lớn đến số lượng HTX, mà quan tâm tới số lượng thành viên trong HTX, huy động tối đa hộ nông dân ở nông thôn tham gia HTX. “Vấn đề diện tích lớn cộng số lượng thành viên mới sử dụng được dịch vụ chung, thị trường chung, đầu vào mới rẻ được. Hầu hết HTX tham gia, có chỗ vị trí trong chuỗi cung ứng giá trị. Cứ nhỏ lẻ, manh mún, không cạnh tranh được với các nước và không xuất khẩu được”, ông Nguyễn Ngọc Bảo nhấn mạnh.

Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Bảo, trong Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới cần coi phát triển HTX nông nghiệp hiệu quả là chỉ tiêu hàng đầu để tạo nên năng lực sản xuất mới.

Chính sách hỗ trợ khu vực KTTT, HTX cần có nguồn lực, giải pháp đi kèm và tập trung nguồn lực cho một số đầu mối. Trong đó, việc hỗ trợ HTX về logistics, đào tạo nguồn nhân lực, quản trị, đầu ra…. sẽ giúp các HTX đẩy mạnh chế biến thương mại trong nước và xuất khẩu.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, HTX không phải là doanh nghiệp mà là sự hợp tác để cơ cấu lại ngành NN&PTNT, là trụ đỡ của nền kinh tế trong những lúc khó khăn. Chiều sâu của kinh tế nông thôn tạo ra những cộng đồng hợp tác ở nông thôn, chia sẻ và kết nối với các doanh nghiệp ngoài nông thôn. Tính kết nối đó mới tạo ra sức bền vững của nông thôn. Trong bối cảnh hiện nay, ngoài việc thu hút đầu tư nước ngoài thì cũng tăng cường sức mạnh nội tại. Cùng với sức mạnh của doanh nghiệp thì cũng cần chú ý đến KTTT và HTX. Chúng ta quan tâm đến “đại bàng” nhưng cũng đừng quên những con “chim sẻ”.

Từ thực tế đó, ông Lê Minh Hoan đề nghị các địa phương quan tâm thực sự đến sự phát triển của HTX, coi HTX là một phần của kinh tế nông thôn, là một phần không thể tách rời của kinh tế phi nông nghiệp ở nông thôn. “Sắp tới sẽ thu hút đầu tư công về hạ tầng logistics cho HTX để các HTX nâng cao năng lực và kích hoạt để bà con nông dân kết nối với nhau” – ông Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Ông Lê Minh Hoan cho biết thêm, Bộ đang chuẩn bị trình Chính phủ chương trình logistics cho ngành nông nghiệp để hạn chế ảnh hưởng của việc đứt gãy chuỗi cung ứng qua những đại dịch, thiên tai, trong đó HTX sẽ là nhân tố quan trọng trong chuỗi cung ứng.

vca.org.vn

All in one
Scroll to Top