Nhà vườn bắt tay liên kết vượt qua đại dịch
Ở phường Thới An, quận Ô Môn, TP Cần Thơ có nhiều vườn nhãn xanh tươi, rộng lớn. Các nhà vườn cùng vào hợp tác xã (HTX) làm ra trái ngon, bắt tay liên kết mạng lưới tiêu thụ, trụ vững qua mùa dịch COVID-19.
Dò tìm hướng đi mới
Những năm qua trên vùng đất màu mỡ ven sông Hậu thuộc phường Thới An, quận Ô Môn nhiều nhà vườn đã âm thầm chuyển đổi thành vườn nhãn chuyên canh hơn 600ha. Từ dất trồng hoa màu, vườn tạp hiệu quả thấp nay chuyển sang trồng nhiều giống nhãn mới, trong đó giống nhãn Ido chiếm phần lớn diện tích.
Chỉ sau 3 năm đời sống các chủ vườn nhãn nhanh chóng đổi đời. Cả xóm trồng nhãn từ vàm rạch Tầm Vu chạy vào nhà cửa khang trang, khá lên thấy rõ.
Ông Bảy Hánh (Nguyễn Thành Hánh) là một trong những nhà vườn sớm lập vườn chuyên canh trồng nhãn bài bản, thành công. Vườn của ông đầu tư hệ thống tưới tiêu tự động, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để cây cho trái ngon đạt tiêu chuẩn VietGAP an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Thành qua trên 15 công nhãn hằng năm, vào thời điểm chưa xảy ra dịch COVID-19 với mức giá tầm khoảng 20.000-30.000 đồng/kg và năng suất bình quân 20 tấn/ha, thu nhập một năm trên 600 triệu đồng nằm trong tầm tay. Tuy nhiên, lợi nhuận trồng nhãn năm nay của ông Bảy Hánh cùng với nhiều nhà vườn sụt giảm hơn 50%, do giá nhãn rớt thảm hại vì dịch COVID-19.
Ông Bảy Hánh nói, từ lúc phát dịch COVID-19 giữa tháng 7-2021 toàn thành phố buộc phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ. Trong bối cảnh chung nhiều tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSCL siết chặt các phương tiện giao thông thủy bộ, hàng nông sản vận chuyển vô cùng khó khăn. Giá nhãn Ido cầm cự mức thấp 9.000-10.000 đồng/kg. May mắn là nhờ có mối lái tìm tới HTX Thới Trinh mua nhãn.
Dạo đó, một số nhà vườn thành viên nhận ra vai trò HTX liên kết và điều tiết lượng hàng duy trì mạch cung ứng các đầu mối tiêu thụ để đưa nông phẩm đi về các tỉnh trong vùng. Trong khi đó một số nhà vườn riêng lẻ bên ngoài bối rối, “tự bơi” vì thương lái không tới vườn được. Nhãn chín, trái căng tròn không thể treo mãi trên cây… buộc lòng bán rẻ bèo 5.000 đồng/kg.
Nhiều nhà vườn trồng nhãn cho rằng vào HTX là nhắm tới lợi ích lâu dài. Đợt dịch COVID-19 vừa trải qua chính là “phép thử’ cho các thành viên trong HTX biết đồng lòng vượt qua thử thách cam go nhất. Đầu tàu là giám đốc HTX tích cực tìm đầu mối tiêu thụ với các siêu thị, doanh nghiệp xuất khẩu. Và chỉ sau 10 ngày đầu (trong thời gian TP Cần Thơ thực hiện Chỉ thị 16), nhãn của HTX Thới Trinh bắt nhịp đưa hàng vào siêu thị trở lại. Giá nhãn dần hồi phục trên mức giá thành, nhà vườn có lời khoảng 3.000-4.000 đồng/kg.
Cửa mở ra, cơ hội mới
Từ khi có mô hình trồng nhãn Ido ở phường Thới An, thu nhập của nhiều hộ nâng lên đáng kể, có những hộ đã làm giàu nhờ loại cây này với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ưu thế giống nhãn Ido là vỏ dày, hạt nhỏ, cơm dày, thơm và ráo nước. Đây là cây trồng có nhiều tính năng vượt trội, có thế mạnh trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế cây trồng, phát triển kinh tế vườn, góp phần nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế tái cơ cấu nông nghiệp. Hiện nay, nhãn Ido rất dễ tiêu thụ, có bao nhiêu thương lái cũng đặt cọc mua với giá bình quân 20.000-30.000 đồng/kg.
Anh Nguyễn Thành Nghi, Giám đốc HTX Thới Trinh, từng là một cán bộ khuyến nông năng nổi, nhiệt tình của phường Thới An. Nhà anh Nghi cũng có vườn nhãn hơn 22 công. Anh cùng với nhiều nhà vườn đã nhận ra sự gia tăng sản lượng trái cây cùng loại ở nhiều tỉnh trong vùng. Riêng cây nhãn trong những năm gần đây ở các tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bạc Liêu… đều nở rộ, diện tích vườn chuyên canh tăng nhanh. Sự cạnh tranh là hiển nhiên. Như vậy nông phẩm phải thật sự chất lượng, đảm bảo ATVSTP.
Ban đầu nhóm nhà vườn lập ra Tổ hợp tác sản xuất, chia sẻ kinh nghiệm trồng trọt, vào mùa thu hoạch nhãn, hàng bán chủ yếu qua thương lái tới vườn mua. Nhận ra cách mua bán này còn thụ động, cách đây hơn 2 năm, 60 hộ nhà vườn với 59ha nhãn đã đồng thuận thành lập HTX Thới Trinh mong muốn mở ra con đường mới, hoạt động kinh doanh thêm dịch vụ cung ứng các loại trái cây gồm: nhãn, cam, ổi Ruby… Bên cạnh các mối thương lái thu mua hàng thân thiết về Bạc Liêu, TP Hồ Chí Minh, Lâm Đồng… HTX đã liên kết được với các kênh tiêu thụ qua hệ thống siêu thị. Sản lượng trái cây năm đầu tiên đã vượt trên 1.000 tấn.
Mục tiêu nhắm tới của HTX Thới Trinh là cùng nhau sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế giúp cải thiện đời sống cho các nhà vườn thành viên và phát triển mô hình sản xuất theo hướng VietGAP.
Anh Nghi cho hay: Đầu năm 2021 có Công ty xuất nhập khẩu Vina T&T Group và Công ty xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, chuyên thu mua, sơ chế, chế biến và gia công đóng gói các mặt hàng trái cây tươi xuất khẩu đã đến khảo sát vườn nhãn của HTX. Yêu cầu nhãn xuất khẩu phải đạt tiêu chuẩn VSATTP, quy cách đóng hàng đúng cỡ (size) trái đường kính trái 2,5 cm, giá thu mua 25.000 đồng/kg. Thế nhưng khi HTX Thới Trinh và các công ty trên chưa kịp ký hợp đồng thị đợt dịch COVID-19 ập tới.
Các nhà vườn trong HTX Thới Trinh công nhận vai trò HTX rất quan trọng. Các nhà vườn thành viên cùng làm ra sản phẩm chất lượng đồng nhất, cung ứng số lượng hàng đủ lớn co các mối bán buôn, kết nối doanh nghiệp xuất khẩu mở rộng đầu ra. Bởi đa số nông dân đều mong có được thị trường tiêu thụ ổn định hơn là lo đối phó với cảnh nông sản làm ra tiêu thụ bấp bênh. Ban Giám đốc HTX dự tính mở đường cho nhãn Thới Trinh sản xuất và đóng hàng xuất khẩu. Theo đó, kế hoạch của HTX năm 2022 sẽ tăng thêm vốn điều lệ và góp vốn của các thành viên để mua hoặc thuê thêm diện tích mặt bằng xây dựng nhà sơ chế, đóng gói trái cây, chọn đặt vị trí nằm kề bên tuyến lộ từ phường Thới An về Ô Môn thông ra quốc lộ 91B hay tiện đường qua phà đi Đồng Tháp. Từ đó mở ra cơ hội đưa trái nhãn Thới Trinh, Thới An đi xa hơn.
“Theo định hướng phát triển vườn cây ăn trái, quận Ô Môn sẽ xây dựng vườn cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, hiệu quả với diện tích khoảng 2.130ha”. Đến năm 2020 giá trị sản xuất cây ăn trái của quận tăng 30% so với năm trước. Hiện quận phấn đấu xây dựng 5 tổ chức kinh tế hợp tác về vườn cây ăn trái trên địa bàn các phường: Thới An, Thới Long, Trường Lạc và hướng tới xây dựng mô hình sản xuất theo hướng VietGAP.”