Hợp lực xây dựng nền nông nghiệp thông minh

Hợp lực xây dựng nền nông nghiệp thông minh

Những năm gần đây, đặc biệt là khi dịch COVID-19 bùng phát, kéo dài, ngày càng nhiều nông dân, doanh nghiệp TP Cần Thơ quan tâm và đón nhận công nghệ 4.0 trong sản xuất nông nghiệp. Những lợi ích từ chuyển đổi số hướng đến nền nông nghiệp thông minh là không thể phủ nhận. Song trên thực tế việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất nông nghiệp vẫn vướng nhiều rào cản cần sự nỗ lực, chung tay tháo gỡ của nhiều bên với các giải pháp trong ngắn hạn lẫn dài hạn.

Nhiều khó khăn

Nhà vườn xã Tân Thới, huyện Phong Điền dùng điện thoại thông minh để điều khiển nước tưới cho vườn sầu riêng.

Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, cho biết: Hiện thành phố có những mô hình ứng dụng nông nghiệp 4.0 tiêu biểu: trồng rau thủy canh theo công nghệ Israel; ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt và điện toán đám mây; điều khiển tưới, phun thuốc bảo vệ thực vật tự động trên vườn cây ăn trái; ứng dụng đèn led thắp sáng, xử lý ra hoa trái vụ trên cây thanh long… Đặc biệt, việc ứng dụng các giải pháp máy cảm biến khí tượng thủy văn giúp cho nhiều nông dân, trang trại, hợp tác xã nhận biết được các thông tin để có biện pháp phòng ngừa dịch hại, điều tiết chế độ dinh dưỡng phù hợp và giảm chi phí trong sản xuất, tiết kiệm thời gian và công sức. Mặc dù đạt được những kết quả đáng khích lệ, song vấn đề ứng dụng công nghệ nói chung và công nghệ số nói riêng trong nông nghiệp trên địa bàn thành phố mới ở giai đoạn bắt đầu, quy mô và số lượng chưa nhiều.

Thực tế cho thấy, phần lớn nông dân trên địa bàn thành phố canh tác ở cấp độ hộ gia đình cá thể, quy mô nhỏ lẻ, manh mún. Điều này gây khó khăn trong việc ứng dụng công nghệ thông minh một cách đồng bộ và cần rất nhiều thời gian để lan tỏa, chuyển đổi. Đặc biệt, hiện nay, các loại nông sản ứng dụng công nghệ cao, công nghệ 4.0 chưa tìm được đầu ra tương xứng. Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân tổ chức sản xuất bài bản, quản lý chất lượng tốt nhưng giá bán lại không chênh lệch nhiều so với canh tác truyền thống, khiến thu nhập chưa cao. Đây là nguyên nhân khiến nông nghiệp 4.0 chưa tạo được sức lan tỏa, khuyến khích được cộng đồng xung quanh hưởng ứng và làm theo…

Theo ông Nguyễn Tấn Đạt, Trưởng Dự án 2Nông, Phó trưởng ban Dự án Bigdata Công ty CP Phân bón dầu khí Cà Mau, quá trình ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất nông nghiệp gặp nhiều cản ngại về hạ tầng và công nghệ phục vụ chuyển đổi số nông nghiệp; thiếu các thiết bị thông minh; thói quen, hành vi của nông dân, doanh nghiệp và người tiêu dùng… “Hiện nay tỷ lệ người Việt dùng thiết bị cá nhân thông minh (điện thoại thông minh, máy tính bảng) đang ở mức rất cao, khu vực nông thôn là 68%. Tuy nhiên, phần lớn thời gian phục vụ cho các nhu cầu giải trí, liên lạc. Người nông dân vẫn chưa nhận ra được chiếc điện thoại nhỏ bé trong tay mình có thể là một công cụ đắc lực, là cánh cửa để bước vào thế giới số. Bên cạnh đó, phần lớn người nông dân vẫn làm theo thói quen cũ, cách thức canh tác cũ, liên kết mua bán cũ dẫn đến việc triển khai các ứng dụng gặp nhiều khó khăn khi phải thay đổi hành vi canh tác và tương tác với các mối quan hệ mới trên nền tảng mới” – ông Nguyễn Tấn Đạt nói.

Nỗ lực từ nhiều phía

Ông Trần Thái Nghiêm, khẳng định: Chuyển đổi số vừa là xu hướng, vừa là nhu cầu tất yếu trong lĩnh vực nông nghiệp. Vì vậy, ngành Nông nghiệp thành phố đang định hướng doanh nghiệp, nông dân phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế. Theo đó, thành phố khuyến khích nông dân, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số để tự động hóa quy trình sản xuất, kinh doanh; giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm, bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, chính xác, an toàn vệ sinh thực phẩm. Về phía ngành Nông nghiệp thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong công tác quản lý để có các chính sách, điều hành kịp thời phát triển nông nghiệp (dự báo, cảnh báo thị trường, quản lý quy hoạch…); tổ chức tập huấn, đào tạo ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, cung cấp, phân phối, dự báo nông sản, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử trong nông nghiệp…

Nhận thấy nhu cầu ngày càng cao từ thị trường, nhiều doanh nghiệp, đơn vị cung cấp, tư vấn ứng dụng các giải pháp số trong nông nghiệp ngày càng nở rộ. Ông Nguyễn Thanh Quất, Trưởng phòng Công nghệ, Công ty CP Công nghệ Công nghiệp Vconnex, cho biết: Công ty chúng tôi cung cấp các giải pháp nông nghiệp thông minh nhằm số hóa và kết nối toàn bộ chuỗi sản xuất và phân phối, mang đến sự minh bạch, an toàn thực phẩm “từ trang trại đến bàn ăn”. Các giải pháp triển khai trên nhiều đơn vị diện tích khác nhau, với khả năng tùy biến linh hoạt để phù hợp với từng loại cây trồng, vật nuôi thông qua các công nghệ tiên tiến: kết nối IoT, Big Data, Edge Computing, Cloud Computing,… Chúng tôi kết nối với khách hàng qua nhiều hình thức: triển khai giải pháp và hệ thống điều khiển tự động hóa cho các công ty, hợp tác xã, đơn vị sản xuất nông sản trực tiếp (mô hình B2B) và kết hợp với các nhà mạng viễn thông, kỹ sư nông nghiệp, đơn vị xây dựng hạ tầng nông nghiệp để cùng triển khai giải pháp tổng thể (mô hình B2C); cho thuê dịch vụ phần mềm, Cloud và thiết bị theo nhu cầu của khách hàng (mô hình cho thuê).

Nhiều ý kiến đề xuất thành phố đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, kỹ năng số, tăng cường tương tác với người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, tăng cường hoạt động hợp tác, học tập, chia sẻ kinh nghiệm với các bộ, ngành, địa phương về chuyển đổi số nông nghiệp, phát triển nông nghiệp thông minh. Ông Nguyễn Tấn Đạt cho rằng, các sở ngành hữu quan hỗ trợ kết nối nông dân, doanh nghiệp với cộng đồng và thương mại điện tử. Qua kênh thông tin này, doanh nghiệp, nông dân có thể chia sẻ thông tin trong quá trình canh tác; liên kết cung ứng vật tư nông nghiệp, tìm đầu ra cho nông sản một cách gần gũi và thiết thực nhất…

Theo Báo Cần Thơ
Tác giả: Mỹ Thanh

All in one
Scroll to Top