Hợp tác xã nông nghiệp sẽ là động lực phát triển kinh tế nông thôn

Hợp tác xã nông nghiệp sẽ là động lực phát triển kinh tế nông thôn

Để tạo ra sức mạnh đa chiều trong phát triển kinh tế nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã và đang triển khai các chương trình, dự án thúc đẩy kinh tế tập thể, mà nòng cốt là hợp tác xã (HTX) nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững, gia tăng chất lượng nông sản và khả năng cạnh tranh thị trường. Từ đó, đưa HTX nông nghiệp trở thành nhân tố quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng hóa và là động lực quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, nông dân.

Phát triển HTX cả chất và lượng

Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ NN&PTNT, nhận định: Qua 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể và 10 năm thi hành Luật HTX năm 2012, kinh tế hợp tác, HTX đã phát triển cả chất và lượng, giữ vững vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế – xã hội, nhất là ở khu vực nông nghiệp, nông thôn. Cùng với đó, xây dựng được hệ thống các cơ chế, chính sách phù hợp và đặc thù trong nông nghiệp; xác định kinh tế tập thể, HTX là công cụ, giải pháp trụ cột để thực hiện các mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn. Trung bình mỗi năm cả nước thành lập mới 800 HTX. Không chỉ tăng nhanh về số lượng, các HTX nông nghiệp ngày càng nâng chất hoạt động. Điều này, đã thể hiện qua việc có 2.297 HTX nông nghiệp thành lập doanh nghiệp trong HTX; có 2.200 HTX ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong sản xuất, tương ứng bằng 13% và 12% tổng số HTX nông nghiệp cả nước; có hơn 4.399 HTX nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp, đảm bảo bao tiêu nông sản, kết hợp triển khai đa dạng các dịch vụ hậu cần trong nông nghiệp, trở thành những “bà đỡ” cho nông dân, góp phần tạo việc làm và thu nhập cho thành viên, với thu nhập bình quân 40,5 triệu đồng/năm.

Xác định mục tiêu tiên phong, sản xuất theo hướng an toàn và làm đầu mối thực hiện liên kết ngành hàng chủ lực của địa phương, HTX nông nghiệp bưởi da xanh, tỉnh Bến Tre đã áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt, có sản phẩm đạt chứng nhận GAP và chuẩn 4 sao “Chương trình mỗi xã một sản phẩm” của tỉnh Bến Tre; đồng thời, đảm nhiệm tốt vai trò, cung cấp các dịch vụ hậu cần trong nông nghiệp, như cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho nhà vườn và 536 thành viên của HTX. Oong Nguyễn Quốc Bảo, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX nông nghiệp bưởi da xanh, cho biết: Hiện HTX có 101ha đất chuyên trồng bưởi da xanh, dừa xiêm, cam… với năng lực cung ứng 800 tấn nông sản/năm. Không chỉ vậy, HTX còn đầu tư dây chuyền sản xuất nước ép bưởi và một số loại nước ép trái cây do HTX sản xuất. Nhờ triển khai đa dạng các dịch vụ trong nông nghiệp, kết hợp ứng dụng công nghệ chế biến vào sản xuất, tạo ra nguồn hàng hóa phong phú, với nhiều chùng loại, có chất lượng an toàn, đáp ứng theo yêu cầu của thị trường, HTX không chỉ đảm bảo lợi nhuận và thu nhập cho thành viên, mà còn khẳng định được vai trò và tầm quan trọng trong bối cảnh ứng phó với thiên tai, dịch bệnh.

Nâng cao năng lực nội sinh cho HTX

Theo Bộ NN&PTNN, trong tiến trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp, HTX được xem là giải pháp cơ bản hướng tới nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa quy mô lớn, tích hợp đa giá trị. Song, để HTX nông nghiệp đủ sức hoạt động trong tình hình mới, Bộ NN&PTNT sẽ đề xuất Chính phủ quan tâm, bố trí nguồn ngân sách riêng hỗ trợ HTX nông nghiệp về hạ tầng, máy móc phục vụ sản xuất kinhh doanh của HTX; đẩy mạnh công tác đào tạo nhân lực, nhất là thu hút cán bộ trẻ đã qua đào tạo, có kiến thức về làm việc cho HTX, trong đó sẽ triển khai chương trình đào tạo nghề giám đốc HTX nông nghiệp; xây dựng “Chương trình quốc gia về phát triền kinh tế tập thể, HTX trong nông nghiệp”, nhằm giúp các HTX đẩy mạnh liên kết gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ nông sản; quản trị chất lượng thương hiệu nông sản; ứng dụng công nghệ cao công nghệ số trong sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản để nâng cao giá trị nông sản; hình thành các trung tâm logistics của các HTX, doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với các bộ, ngành và các địa phương đẩy mạnh việc triển khai thực hiện các chương trình chuyển đổi số ngành nông nghiệp, đề án nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu của các HTX vùng ĐBSCL; quan tâm công tác đào tạo nguồn nhân lực, nhất là đào tạo về công tác quản trị, quản lý cho các HTX nông nghiệp; hỗ trợ HTX ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, tham gia Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm ” (OCOP); chú trọng phát triển hạ tầng logistics, nhất là xây dựng kho bản quản, sơ chế, chế biến, đóng gói và tiêu thụ sản phẩm cho khu vực kinh tế tập thể, HTX; xây dựng thương hiệu, xây dựng mã số vùng trồng gắn với phát triển vùng nguyên liệu và truy xuất nguồn gốc sản phẩm; liên kết hình thành chuỗi giá trị ngành hàng nông sản…

Phát biểu tại hội nghị “Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể và 10 năm thi hành Luật HTX năm 2012′, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết: Hướng tới, Bộ NN&PTNT sẽ huy động nguồn lực cộng đồng cũng như hỗ trợ các chính sách để các HTX tổ chức lại sản xuất trong điều kiện mới. Cùng với sự trợ lực này, các HTX cần phải nâng cao năng lực nội sinh, từ việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, kiến thức thị trường, quản trị HTX đến công tác ứng dụng khoa học công nghệ, liên kết, cung ứng đa dịch vụ, đa mục tiêu, đảm bảo thu nhập cho các thành viên, để thể hiện vai trò của HTX trong nền kinh tế thị trường, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu, dịch bệnh… Từ đó, đưa HTX nông nghiệp trở thành nhân tố quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng hóa và là động lực quan trọng trong phát triển bức tranh kinh tế nông nghiệp, nông thôn, nông dân.

Theo Báo Cần Thơ
Tác giả: Mỹ Hoa

All in one
Lên đầu trang