Hỗ trợ hợp tác xã bắt nhịp chuyển đổi số

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, hình thức mua bán trực tuyến, kết nối đầu ra hàng hóa thông qua các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội được xem là xu thế chủ đạo giúp cho các hợp tác xã (HTX) ổn định sản xuất, phát triển thêm kênh tiêu thụ… Cùng đó, hệ thống Liên minh HTX Việt Nam xúc tiến nhiều chương trình ứng dụng công nghệ số, nhằm giúp cho các HTX bắt nhịp thị trường số để từng bước ổn định, khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh trong điều kiện bình thường mới.

Hoạt động thu hoạch nấm đông trùng hạ thảo tại HTX Giọt Phù Sa ở huyện Phong Điền

Để tiếp sức cho các HTX vượt khó trước tác động của đại dịch COVID-19, Liên minh HTX Việt Nam đã huy động các nguồn lực, đẩy mạnh nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung – cầu nông sản, nhằm kết nối các nhà phân phối, doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu với các HTX, tổ hợp tác ở các địa phương đang chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhất là tại 19 tỉnh, thành phía Nam. Tính từ giữa tháng 8-2021 đến nay, Liên minh HTX Việt Nam đã hỗ trợ cho các HTX, tổ hợp tác ở các tỉnh, thành trên cả nước tiêu thụ gần 140.000 tấn rau củ quả, trái cây và thủy sản; tiêu thụ hàng ngàn mặt hàng tiêu dùng thiết yếu do các HTX, tổ hợp tác sản xuất; tổ chức 10 đầu mối bán hàng online và offline tại các vùng miền, với 5.000 cửa hàng sẵn sàng tiêu thụ sản phẩm cho HTX, tổ hợp tác khi có nhu cầu bán hàng… Các hoạt động này bước đầu đã đáp ứng được yêu cầu tiêu thụ nông sản cũng như tạo điều kiện cho các HTX tiếp cận và biết cách giao dịch trên sàn thương mại điện tử, để phát triển thêm kênh bán hàng, hạn chế thiệt hại cho các HTX, tổ hợp tác trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Thông qua nền tảng công nghệ số, Liên minh HTX TP Cần Thơ đã tổng hợp số lượng HTX đang cần tiêu thụ hàng hóa, nông sản đưa vào nhóm Zalo HTX Cần Thơ. Ðồng thời, hỗ trợ cho các HTX tham gia vào sàn giao dịch chonongsancantho.vn do Trung tâm dịch vụ nông nghiệp TP Cần Thơ quản lý. Sàn giao dịch này nhằm hỗ trợ cho các hộ sản xuất và các HTX quảng bá, giới thiệu sản phẩm, kết nối tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa… với các doanh nghiệp, đơn vị thu mua thông qua nền tảng số. Hiện thành phố có hơn 20 HTX đăng ký kết nối mua bán nông sản, hàng hóa cho thành viên với các đơn vị thu mua, thông qua cổng thông tin kết nối cung – cầu tiêu thụ nông sản của Liên minh HTX Việt Nam… Với nhiều chương trình kết nối, Liên minh HTX thành phố đã kịp thời hỗ trợ cho các HTX, người dân tiêu thụ trên 2.000 tấn rau củ, trái cây trong thời gian thành phố thực hiện giãn cách xã hội.

Cùng với các hoạt động hỗ trợ ứng dụng số từ các ngành chức năng, nhiều HTX ở TP Cần Thơ cũng tăng cường ứng dụng mạng xã hội facebook, zalo và liên kết với các sàn thương mại điện tử để bán hàng, chia sẻ quá trình sản xuất, chế biến sản phẩm và cung cấp thông tin về hàng hóa qua môi trường điện tử. Ðiển hình là các HTX dịch vụ thương mại nông sản xanh Cần Thơ và HTX Thuận Tiến ở quận Ninh Kiều, HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hữu Thiên và HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Giọt Phù Sa ở huyện Phong Ðiền,… Ngoài tổ chức các điểm bán hàng trực tiếp, với các mặt hàng chủ lực là nông đặc sản và hàng tiêu dùng, các HTX này còn đẩy mạnh quảng bá và bán qua mạng xã hội zalo, facebook để tìm kiếm thêm khách hàng và mở rộng kênh tiêu thụ trong mùa dịch.

Không chỉ ứng dụng công nghệ cao sản xuất đa dạng các sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo theo hướng chất lượng cao, đáp ứng theo nhu cầu thị trường, HTX Giọt Phù Sa, huyện Phong Ðiền mở rộng kênh tiêu thụ qua mạng xã  hội và liên kết bán hàng với các trang thương mại điện tử, để đưa sản phẩm an toàn đến tận tay người tiêu dùng, tạo niềm tin với khách hàng trong và ngoài thành phố. Anh Phạm Ngọc Ðá, Giám đốc HTX Giọt Phù Sa, cho biết: Trong thời điểm dịch bệnh bùng phát mạnh, các kênh bán truyền thống của HTX là cửa hàng, đại lý ở các tỉnh trong vùng ÐBSCL và TP Hồ Chí Minh đều dừng hoạt động, HTX bị tồn kho trên 30kg nấm đông trùng sấy khô, doanh thu bị sụt giảm đáng kể… Ðể duy trì hoạt động, ổn định đời sống cho các thành viên hợp tác cùng với HTX, ngoài việc liên kết bán hàng với các trang thương mại điện tử như Shopee, Tiki, HTX còn thường xuyên quảng bá sản phẩm, chia sẻ quá trình sản xuất và cung cấp các thông tin về hướng dẫn sử dụng, công dụng của các sản phẩm tinh dầu, trà được chiết xuất từ nấm đông trùng hạ thảo qua mạng xã hội zalo… Nhờ đó, HTX có thêm được khách hàng từ kênh bán hàng online, giữ được nhịp sản xuất, ổn định các khoản chi phí đầu vào cho mọi hoạt động trong suốt thời gian giãn cách xã hội và từng bước khôi phục lại nhịp sản xuất, khi các kênh tiêu thụ vốn dần được mở cửa trở lại trong điều kiện bình thường mới.

Ông Nguyễn Ðức Phương, Chủ tịch Liên minh HTX TP Cần Thơ, cho biết: Hướng tới, Liên minh HTX thành phố tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ cho thành viên HTX, tổ hợp tác ứng dụng công nghệ 4.0 để thực hiện các giao dịch cũng như đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử. Ðây không chỉ là giải pháp tình thế giúp HTX, tổ hợp tác tiêu thụ nông sản trong bối cảnh dịch bệnh, mà còn mang tính chiến lược lâu dài trong việc tổ chức liên kết tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa cho các HTX, tổ hợp tác. Song, số lượng HTX ứng dụng thương mại điện tử để thay đổi phương thức kinh doanh, chuyển đổi hình thức bán hàng truyền thống sang online còn rất hạn chế. Ngoài ra, việc đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử ở các HTX cũng gặp khó, do thành viên HTX chủ yếu làm việc theo phương thức truyền thống, nên việc tiếp nhận công nghệ mới, nền tảng kỹ thuật số phải mất nhiều thời gian tìm hiểu và nghiên cứu. Và thực tế hiện nay là hầu hết các HTX đều thiếu nguồn lực về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị máy móc và nhân sự chưa đáp ứng yêu cầu chuyển số…

Theo ông Nguyễn Ðức Phương, để các HTX bắt nhịp ứng dụng công nghệ số trong việc giới thiệu, tiêu thụ và quảng bá sản phẩm, cần phải có giải pháp đồng bộ từ chính sách, hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật đến đào tạo nâng cao trình độ và kỹ năng công nghệ thông tin, đảm bảo phù hợp và phục vụ hiệu quả cho các HTX, tổ hợp tác. Theo đó, các ngành chức năng thành phố cần tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ trong việc thực hiện các giao dịch, đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử cho các HTX; chú trọng công tác đưa lao động trẻ có trình độ và chuyên môn phù hợp với nhu cầu và lĩnh vực của từng loại hình HTX; ưu tiên hỗ trợ máy móc, thiết bị, hạ tầng kỹ thuật số, kết nối mạng internet, ứng dụng công nghệ số cho các HTX thực hiện quản lý và điều hành các hoạt động sản xuất kinh doanh; hỗ trợ giảm các loại phí quản lý, bảo trì, kết nối mạng ít nhất trong thời gian 3 năm đầu sử dụng cho các HTX,… Từ đó, tạo điều kiện cho các HTX, tổ hợp tác bắt nhịp ứng dụng số từ việc tham gia quảng bá sản phẩm đến việc tổ chức các dịch vụ thu mua, liên kết tiêu thụ sản phẩm, từng bước tham gia sâu vào các chuỗi cung ứng hàng hóa trong tình hình mới.

Picture of Mỹ Hoa

Mỹ Hoa

Nguồn Báo Cần Thơ Online: Hỗ trợ hợp tác xã bắt nhịp chuyển đổi số

Xem trang
All in one
Lên đầu trang